Lễ khao lề thế lính

Lễ khao lề thế lính là một lễ hội của nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi,[1][2] với mục đích cầu bình an cho người lính của hải đội Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ.[2] Lễ hội này được tổ chức tại Âm Linh tự[1] (một di tích được xếp hạng quốc gia) vào tháng 2, tháng 3 nông lịch hàng năm.[2] Vào những ngày này, ngoài việc tổ chức, người địa phương còn thực hiện đắp và dọn các ngôi mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (gọi là mộ gió).[3][4]

Năm 2013, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.[2]

Tên gọi

Thời gian đầu khi mới thành lập hải đội Hoàng Sa vào thế kỷ 17, cứ hàng năm người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng SaTrường Sa. Việc này gọi là thế lính. Lễ hội này có hình thức thả thuyền giấy ra biển, có lẽ vì thế mà lễ hội có tên là khao lề thế lính.[cần dẫn nguồn]

Lịch sử

Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 18, khi vào trấn nhậm phía Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đội Hoàng Sa được thành lập vào thời kỳ đầu dựng nước và ngừng hoạt động kể từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta.[5]

Cứ vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, đội lính này nhận lệnh ra đi và đến tháng 8 âm lịch trở về cửa Eo (nay là cửa Thuận An thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế) để nộp các loại hải vật quý giá cho triều đình. Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “đội Bắc Hải”, có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa). Đội Bắc Hải chủ yếu chiêu mộ các ngư dân làng Tứ Chính (tỉnh Bình Thuận). Trong suốt 3 thế kỷ hoạt động, đã có hàng vạn người lính Thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do tính chất nguy hiểm của những chuyến đi biển, không phải người lính nào cũng có may mắn trở về đất liền an toàn. Theo ghi chép trong gia phả của các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn thì đã có rất nhiều người lính ra đi không trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người (mộ gió) của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn… trên đảo Lý Sơn là một minh chứng.[6]

Chính từ hành trình gian khổ và đầy hy sinh ấy, những câu hát ru tha thiết về đội Hoàng Sa đã được cất lên trên mảnh đất Lý Sơn. Những câu hát ấy như lời tiễn đưa, lời động viên, lời cầu mong bình an cho những người chồng, người cha ra khơi: "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"; "Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"… Và, rất nhiều câu ca nói về đội Hoàng Sa và Trường Sa được nhiều người dân trên đảo nhớ và thuộc để truyền cho thế hệ mai sau về một thời bi hùng oanh liệt trong trang sử bảo vệ chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.[7]

Tham khảo

  1. ^ a b Thái Anh; Đặng Ngọc Khoa (23 tháng 4 năm 2008). “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có từ 400 năm trước”. www2.thanhnien.com.vn. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2023.
  2. ^ a b c d Vinh Thông (7 tháng 3 năm 2023). “Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2023.
  3. ^ Minh Ngọc. “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Câu chuyện của những hùng binh”. Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2023.
  4. ^ Lê Hồng Khánh (21 tháng 4 năm 2013). “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. baoquangngai.vn. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2023.
  5. ^ “Huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa tri ân những tiền nhân giữ cõi”. VOH. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  6. ^ “Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa”. vietnamtourism.gov.vn. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ Dương Anh. “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Cục di sản văn hóa.
Bài viết tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam này vẫn còn sơ khai. Bạn có thể giúp Wikipedia mở rộng nội dung để bài được hoàn chỉnh hơn.
  • x
  • t
  • s