Thất đại hận

Thất đại hận (tiếng Mãn: ᠨᠠᡩᠠᠨ
ᡴᠣᡵᠣ
, nadan koro; tiếng Trung: 七大恨; bính âm: Qī Dà Hèn) là một bài hịch được bố cáo bởi vua Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đánh dấu sự tuyên chiến lớn của Hậu Kim với nhà Minh.

Bối cảnh

Sau khi thống nhất các bộ tộc Nữ Chân Kiến Châu, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã cử người đến Bắc Kinh triều cống nhà Minh. Nhờ đó, ông nhận ra được tình hình rối ren của Minh triều, thúc đẩy quyết tâm thống nhất Nữ Chân, từ đó chinh phạt nhà Minh để báo thù giết cha và ông nội. Khi hầu hết các bộ tộc Nữ Chân đã được thống nhất và thế lực của mình lan sang cả các bộ tộc Mông Cổ, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi Đại Hãn ở thành Hách Đồ A Lạp (nay là Tân Tân, Liêu Ninh), tuyên bố dựng nước, lấy quốc hiệu Đại Kim, đặt niên hiệu là Thiên Mệnh (chữ Hán: 天命, chữ Mông Cổ: Тэнгэрийн Сүлдэт, chữ Mãn: ᠠᠪᡴᠠᡳ
ᡶᡠᠯᡳᠩᡤᠠ, âm Mãn: Abkai Fulingga).

Nhận thấy thế lực của mình đã đủ mạnh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích cho rằng điều kiện phục thù đã chín muồi. Đầu năm 1618, Nỗ Nhĩ Cáp Xích tuyên bố với các bối lặc Nữ Chân: "Ý ta đã quyết, năm nay nhất định chinh phạt Đại Minh". Ngày 13 tháng 4 năm Thiên Mệnh (tiếng Trung: 天命) thứ Ba (ngày 7 tháng 5 năm 1618[1]), ông tế cáo trời đất, công bố "Thất đại hận" làm lý do khởi binh phản Minh.

Sau khi tuyên bố Thất đại hận, quân Mãn Châu tấn công Phủ Thuận và tiếp nhận sự đầu hàng của tướng nhà Minh giữ thành là Lý Vĩnh Phương (chết năm 1634). Năm sau, nhà Minh đem 10 vạn quân dưới sự hậu thuẫn của Triều TiênDiệp Hách chia thành bốn đường tấn công Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Kết quả là quân Mãn Châu giành được thắng lợi to lớn trước liên quân Minh-Triều-Diệp Hách tại thị trấn Tát Nhĩ Hử. Nhà Minh đã quá mệt mỏi với một loạt những xung đột với người Mãn ở biên giới, thêm vào đó bạo loạn xảy ra, kinh tế suy sụp nên thế nước ngày một đi xuống. Cuối cùng, ngày 26 tháng 5 năm 1644, quân khởi nghĩa nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo chiếm được Bắc Kinh, hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh treo cổ tự sát trên một cây hòe trên Môi Sơn ngoài Tử Cấm Thành. Quân Mãn Châu nhờ Ngô Tam Quế dẫn đường tiến vào Bắc Kinh, tiêu diệt chính quyền Đại Thuận của Lý Tự Thành. Nhà Thanh chính thức cai trị Trung Quốc cho đến năm 1911.

Nội dung hịch văn

Nội dung bài hịch được chép trong "Thanh Thái tổ Cao Hoàng đế thực lục" gồm 7 điều. Trong đó, điều đầu tiên khẳng định thủ phạm giết cha và ông nội chính là triều đình nhà Minh. Những điều còn lại xoáy vào sự bất bình đẳng, thiên vị của nhà Minh với các bộ tộc Diệp Hách mà chế áp các bộ tộc Kiến Châu ông.[2]

Ông cha ta chưa từng cắt một cọng cỏ, cướp một tấc đất của người Minh nơi biên ải, thế mà Minh triều vô cớ gây hấn, giết hại ông cha ta. Đó là cái hận thứ nhất. Tuy Minh triều gây hấn nhưng ta vẫn cố tìm hòa. Ta dựng bia tuyên thệ: "Hán cũng như Mãn chớ ai vượt tuyến. Kẻ nào liều lĩnh, gặp tức khắc giết ngay". Thấy mà vẫn thả, ta giết đứa thả. Minh triều vẫn bất chấp lời ta. Lại còn cậy mạnh đem quân vượt tuyến giúp bọn Diệp Hách. Đó là cái hận thứ nhì. Hàng năm mé nam cũng như mặt bắc sông Minh Hà, người Minh thường đánh thuyền cướp bến, mặc sức lộng hành. Ta tuân lời thề nên phải giết. Minh triều lại phụ ước trước, trách ta giết bừa, bắt Quảng Ninh sứ thần của ta là Võng Cô Lý, Phương Cát Nạp, lại trói cả người tháp tùng, uy hiếp ta. Đó là cái hận thứ ba. Quân Minh vượt tuyến giúp Diệp Hách, khiến người vợ sắp cưới của ta phải cải giá sang Mông Cổ. Đó là cái hận thứ tư. Lài Hà, Tam Soái, Phủ An, ba lộ đó là những nơi ta chia quân đóng giữ đã nhiều đời. Dân ta ở đây chuyên nghề nông, cấy cày ruộng đất thế mà Minh triều không cho họ làm ăn, đem binh đuổi sạch. Đó là cái hận thứ năm. Bọn Diệp Hách đắc tội với trời ngoài biên ải, thế mà Minh triều riêng tin lời chúng, sai người đưa thư tới để hạch hỏi ta, làm nhục ta, chẳng coi ta ra gì. Đó là cái hận thứ sáu. Lúc trước, Cáp Đạt giúp Diệp Hách hai lần tới xâm lăng, ta phải thân hành đi báo phục. Do đó, trời đã trao cho ta cả dân Cáp Đạt, ấy thế mà Minh triều lại ùa theo họ, bức hiếp ta phải trở về nước, khiến Cáp Đạt bị người Diệp Hách xâm lược. Ôi, giữa cái lúc liệt quốc phân qua chinh chiến, kẻ nào thuận ý trời thì kẻ đó thắng và tồn tại, kẻ nào nghịch ý trời thì kẻ đó bại và mất nước, lẽ nào khiến kẻ đã chết có thể sống lại, khiến kẻ được lòng mọi người lại phải bỏ đi? Trời đã giúp cho một nước lớn, một vị vua thì vị vua đó phải là người chủ chung của thiên hạ. Tại sao Minh triều lại oán giận nước ta? Buổi đầu Hỗ Luân chư quốc họp binh lại để đánh ta, nên trời chán ghét bọn Hỗ Luân gây hấn đó. Nay Minh triều giúp bọn Diệp Hách, bị trời chán ghét, đó chính là chống lại ý trời, gây chuyện thị phi, tự ý làm bậy. Đó là cái hận thứ bảy, vì thế thì biết người Minh khinh ta quá đáng, tình thực khó bề chịu nổi. Đây là những nguyên cớ của bảy điều đại hận, bởi thế ta phải khởi binh đánh chúng!

.

Tham khảo

  1. ^ “中央研究院 兩千年中西曆轉換”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
  2. ^ Xem nguyên văn Thất đại hận trong "Thanh Thái tổ Cao Hoàng đế thực lục".